Cơ Hội Từ Xu Hướng Chuyển Đổi Số

Sự Tăng Trưởng Của Nền Kinh Tế Số

Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật. Liên lạc, đặt món ăn, di chuyển, giải trí – tất cả đều có thể thực hiện thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.

Các thanh toán điện tử liên ngân hàng hay qua các ứng dụng điện thoại đã trở nên phổ biến hàng ngày. Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69.7% về số lượng và 27.5% về giá trị.  Hiện tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11.44% từ năm 2015-2021.

Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng khi có 52.7% dân số ở độ tuổi từ 15 đến 49 (GSO, năm 2019). Nhóm này sẽ dẫn dắt tiêu dùng và nền công nghệ số trong tương lai, nhờ vào khả năng tiếp cận công nghệ mới nhất và sử dụng thành thạo các sản phẩm và ứng dụng từ những công nghệ đó. Nhóm này chính là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số trong tương lai.

Nền kinh tế số được đặt mục tiêu sẽ đạt 20% GDP vào năm 2025F và 30% GDP vào năm 2030F. Để đạt được quy mô này thì tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm của nền kinh tế số phải đạt 40% mỗi năm từ 2021 đến năm 2025F và 19% mỗi năm cho giai đoạn từ 2025 đến 2030.

 

Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: (1) Kinh tế số ICT; (2) Kinh tế số Internet hay còn gọi là kinh tế số nền tảng; và (3) Kinh tế số ngành. Cụ thể, Kinh tế số ICT gồm: sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, truy cập Internet. Kinh tế số Internet bao gồm dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, kinh tế thuật toán, kinh tế Internet, kinh tế Gig. Kinh tế số ngành gồm: quản trị điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và du lịch thông minh.

Theo ước tính của Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

 

Chuyển Đổi Số Là Xu Hướng Tất Yếu

Năm 2021, Việt Nam đã phải chống chọi với dịch bệnh với quy mô và tác động lớn chưa từng có, quá trình chuyển đổi số (CĐS) đã diễn ra nhanh hơn. Giãn cách xã hội do dịch bệnh yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức phải thích ứng để duy trì hoạt động. CĐS là phương án tốt nhất để thích ứng với hoàn cảnh khi đó.

Sau dịch bệnh, chuyển đổi số trở thành nhân tố duy trì sự tăng trưởng và động lực cho sự phục hồi. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích lớn cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng. Theo báo cáo của World Bank, CĐS mang nhiều lợi ích. Thứ nhất, CĐS mang lại nhiều thông tin giúp cho doanh nghiệp và tổ chức có thể phân tích, lựa chọn để tiếp cận được nhiều cơ hội bán hàng và nâng cao hiệu quả tổ chức. Thứ hai, CĐS giúp cho các quy trình tinh gọn hơn và tiết kiệm nhiều thời gian hơn. Thứ ba, từ việc tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm thời gian, các tổ chức sẽ tiết kiệm được chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, dựa vào những thông tin có ích, doanh nghiệp có thể phát triển ra những sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đối với các cơ quan Nhà Nước, lợi ích thứ tư của CĐS mang lại nhiều thông tin để có thể hiểu dân hơn.

Ngành bán lẻ là ngành chứng kiến nhiều thay đổi khi thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã thay đổi nhanh chóng thói quen tiêu dùng cũng như hành vi mua sắm của khách hàng trong ngành bán lẻ. Sau dịch Covid, kênh online đã trở thành kênh mua sắm chính của khách hàng thay cho các kênh mua sắm truyền thống khác như chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa… Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh số hóa để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng thông qua các hình thức thương mại điện tử đều chứng kiến mức tăng trưởng cao.

Kênh bán lẻ hiện đại được dự đoán sẽ “soán ngôi” kênh bán lẻ truyền thống trong tương lai. Cụ thể, tỷ trọng của kênh bán lẻ hiện đại có thể chiếm 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

 

Cơ Hội Tăng Trưởng Lớn Cho Các Công Ty Trong Ngành

Chính Phủ ủng hộ CĐS cho tất cả mọi mặt trong cuộc sống. Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số tại Hà Nội ngày 11 tháng 12 năm 2021, Thủ Tướng đã nhấn mạnh rằng CĐS sẽ là động lực để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Cũng theo Nghị Quyết 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021, Chính Phủ đề cập rằng CĐS là mục tiêu trọng tâm cho giai đoạn 2021 – 2025. Việc CĐS cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được tập trung trong thời gian sắp tới.

Việt Nam thể hiện quyết tâm thực hiện CĐS mạnh mẽ cho Chính Phủ, kinh tế và xã hội trong những năm sắp tới. Ba mục tiêu chính mà Chính Phủ Việt Nam đặt trọng tâm cho giai đoạn sắp tới là (1) đẩy nhanh tiến độ triển khai; (2) nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội; (3) thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống.

Việt Nam đang có những lợi thế nhất định để có thể thực hiện chuyển đổi số toàn quốc. Việt Nam có lợi thế về chi phí truy cập Internet khá thấp so với các nước trên thế giới. Internet tốc độ nhanh có có chi phí vừa phải là xương sống của quá trình chuyển đổi số. Chi phí truy cập Internet của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan khoảng 46%.

Tuy nhiên, Việt Nam có 3 trở ngại cần cải thiện để thực hiện CĐS. Thứ nhất, Việt Nam cần phải phủ sóng internet toàn quốc để có thể thực hiện CĐS toàn quốc. Tính đến 1Q22, tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 69%. Cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022. Thứ hai, tốc độ Internet của Việt Nam cũng còn chưa cao. Dù cho tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam 1Q22 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, đạt 33.90 Mbps và ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%, đạt 67.96 Mbps. Tuy nhiên so với các con số trên 100Mbps ở băng rộng cố định của Singapore và Thái Lan thì Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn. Cuối cùng, có khoảng 71% tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh và 85% tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh. Các thiết bị thông minh cần được dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân và các hộ gia đình.

Cùng với yếu tố chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, những điểm cần cải thiện của Việt Nam trở thành những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Những doanh nghiệp hoạt động trong thị trường phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian sắp tới. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet sẽ có được tăng trưởng đều qua các năm khi internet được phủ rộng và trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống. Cuối cùng, những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm ICT cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi nhu cầu sử dụng và đồng bộ giữa các thiết bị thông minh và hạ tầng viễn thông liên tục tăng trưởng.