KIẾN THỨC ĐẦU TƯ

kiến thức đầu tư cơ bản

Đầu tư là gì?

Hiểu một cách đơn giản, đầu tư là việc phân bổ vốn vào các loại tài sản khác nhau, như chứng khoán, bất động sản, tiền gửi ngân hàng v.v. nhằm mục đích sinh lợi. Mặc dù tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng của việc đầu tư nhưng không nhất thiết việc đầu tư nào cũng chắc chắn sinh lợi. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư có rủi ro mất đi một phần hoặc toàn bộ số vốn đầu tư lúc đầu nếu như mọi việc xảy ra không như dự tính. Chính vì vậy, hiểu rõ về lợi nhuận và rủi ro trong đầu tư là vô cùng quan trọng trước khi ra quyết định.

Lợi nhuận và rủi ro

Lợi suất đầu tư là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận hoặc lỗ thu về tính trên số tiền đầu tư bỏ ra ban đầu. Đây là một chỉ số được sử dụng phổ biến để đánh giá và xếp hạng sự hấp dẫn của các phương án đầu tư khác nhau. Khi tỷ lệ này mang giá trị dương, nghĩa là nhà đầu tư kiếm được nhiều hơn số tiền họ đã bỏ ra ban đầu. Ngược lại, khi tỷ lệ này mang giá trị âm, nhà đầu tư thu về ít hơn số tiền ban đầu đã bỏ ra, hay nói cách khác là việc đầu tư bị thua lỗ.

Rủi ro trong đầu tư

  • Là mức độ bất trắc hay khả năng lợi nhuận thực tế thu được thấp hơn mức kỳ vọng.
  • Tất cả các loại hình đầu tư đều có độ rủi ro nhất định.

Rủi ro thị trường

  • Rủi ro phát sinh khi những thay đổi về lãi suất, giá cổ phiếu và/hoặc tỷ giá tác động đến giá trị thị trường của khoản đầu tư.

Rủi ro thanh khoản

  • rủi ro phát sinh khi nhà đầu tư không thể tìm được thị trường cho các chứng khoán của mình, làm họ không thể mua hoặc bán chứng khoán như mong muốn, hay họ phải bán với giá thấp hơn và phải mua với giá cao hơn mức giá họ mong muốn.

Rủi ro tín dụng

  • Rủi ro mà tổ chức phát hành các chứng khoán nợ hay tổ chức nhận tiền gửi gặp khó khăn tài chính và không thể trả lãi và/vốn gốc khi đến hạn.

Rủi ro lạm phát

  • Rủi ro sức mua của nhà đầu tư giảm sút do giá trị của khoản đầu tư không theo kịp tốc độ lạm phát.

Thông thường, đối với các khoản đầu tư có rủi ro cao thì lợi suất mà nhà đầu tư yêu cầu hay kỳ vọng cũng sẽ cao.

Sản phẩm đầu tư cơ bản

SẢN PHẨM
ĐẦU TƯ
CƠ BẢN
Cổ phiếu
Trái phiếu
Quỹ đầu tư
Tiền gửi
ngân hàng
Bất động sản
Các sản phẩm
đầu tư khác

Trái phiếu

Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ (hay công cụ có thu nhập cố định). Khi nhà đầu tư mua trái phiếu nghĩa là họ cho tổ chức phát hành trái phiếu vay tiền, đồng nghĩa với việc họ trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành.

Mỗi trái phiếu được phát hành đều có ít nhất ba yếu tố: mệnh giá, lãi suất và kỳ hạn đáo hạn. Lãi suất trái phiếu có thể là cố định hoặc thả nổi tùy thuộc vào loại trái phiếu được phát hành. Trong thời gian nắm giữ trái phiếu, nhà đầu tư nhận được lãi trái phiếu theo định kỳ (có thể là mỗi 6 tháng hoặc hàng năm). Khi trái phiếu đáo hạn thì nhà đầu tư sẽ nhận được toàn bộ mệnh giá của trái phiếu.

Xét theo chủ thể phát hành thì có hai loại trái phiếu: trái phiếu công ty (do công ty phát hành) và trái phiếu chính phủ (do chính phủ phát hành). Do trái phiếu công ty có rủi ro tín dụng cao hơn trái phiếu chính phủ nên trái phiếu công ty thường trả lãi suất cao hơn trái phiếu chính phủ.

Cổ phiếu

Cổ phiếu (hay cổ phần) là một loại chứng khoán vốn, đại diện quyền sở hữu đối với một công ty. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu thì họ trở thành cổ đông (hay chủ của công ty) và tỷ lệ sở hữu công ty của họ sẽ tương ứng với số cổ phiếu mà họ đã mua.

Có hai loại cổ phiếu cơ bản là cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi. Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông (cổ đông phổ thông) có quyền biểu quyết và có thể can thiệp vào chính sách, tương lai của công ty thông qua lá phiếu của mình hoặc tự ứng cử vào ban quản trị và kiểm soát công ty. Cổ tức mà họ nhận được từ việc nắm giữ cổ phiếu sẽ thay đổi, phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty.

Ngược lại, người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi (cổ đông ưu đãi) không có quyền biểu quyết hay can thiệp vào tương lai của công ty như cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, họ thường sẽ được chia một tỷ lệ cổ tức cố định và được ưu tiên nhận cổ tức trước cổ đông phổ thông. Phần lớn lượng cổ phiếu được phát hành là cổ phiếu phổ thông. Vì vậy, khi mọi người nói về cổ phiếu một cách chung chung thì được ngầm hiểu đó là cổ phiếu phổ thông.

Quỹ đầu tư

Loại hình này cho phép các nhà đầu tư có thể đầu tư vào rất nhiều loại tài sản khác nhau mà từng cá nhân có thể sẽ không làm được do quá tốn kém và khó quản lý. Do các quỹ đầu tư được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp nên nhà đầu tư vào quỹ có thể yên tâm tập trung vào công việc chính của mình và đồng thời vẫn hưởng được thành quả đầu tư từ các quỹ.

Tùy thuộc vào phương thức quản lý mà một quỹ có thể được quản lý chủ động hoặc bị động. Nếu xét về cơ chế hoạt động, quỹ đầu tư có thể là quỹ mở (chứng chỉ quỹ đã chào bán phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư) hoặc quỹ đóng (chứng chỉ quỹ đã chào bán không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư). Nếu xét về chiến lược đầu tư, quỹ đầu tư có thể là quỹ tăng trưởng (danh mục đầu tư của quỹ tập trung vào cổ phiếu), quỹ thu nhập ổn định (danh mục đầu tư của quỹ tập trung vào trái phiếu) hay quỹ cân bằng (danh mục đầu tư của quỹ đa dạng gồm cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác). Với sự đa dạng của các sản phẩm quỹ, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp với đặc điểm và mục tiêu đầu tư của mình.

Tiền gửi ngân hàng

Tiền gửi ngân hàng là một trong số những tài sản có tính thanh khoản cao và rủi ro tín dụng thấp do các tổ chức nhận tiền gửi được chính phủ quản lý rất chặt chẽ. Chính vì ưu thế về thanh khoản và sự an toàn nên các khoản tiền gửi ngân hàng thường trả lãi suất thấp hơn các sản phẩm đầu tư khác (VD: trái phiếu doanh nghiệp).

Bât động sản

Đầu tư bất động sản là việc mua, bán và cho thuê bất động sản để kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận từ đầu tư bất động sản có thể đến từ việc: mua giá thấp, bán giá cao để kiếm lời từ chênh lệch giá mua bán và mua bất động sản rồi cho thuê để có dòng tiền thu được ổn định. Đây là một kênh đầu tư hấp dẫn xét về suất sinh lợi và có thể bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro lạm phát nhưng lại yêu cầu vốn đầu tư lớn và tính thanh khoản lại kém hơn khá nhiều so với các kênh đầu tư khác.

Các sản phẩm đầu tư khác

Các kênh đầu tư khác có thể kể đến như vàng, ngoại tệ, công cụ phái sinh, vốn cổ phần tư nhân, hàng hóa v.v. Mức độ sẵn có của các sản phẩm này tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường tài chính.

Vui lòng LIÊN HỆ chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết