Căng Thẳng Ở Đông Âu Củng Cố Triển Vọng Tích Cực Cho Ngành Dầu Khí

Tháng 11 năm 2021, hội nghị khí hậu COP26 đã diễn ra tại Glasgow, nơi các quốc gia trên thế giới cùng nhau đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm cắt giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, và hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Nhưng hiện tại, sau sáu tháng, không có một quốc gia lớn nào đưa ra một kế hoạch thực thi rõ ràng hơn, và hầu hết, đặc biệt là châu Âu, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do thiếu hụt dầu khí và các nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch khác từ Nga, là hệ quả của cuộc chiến tranh ở Ukraine, và các lệnh trừng phạt liên tiếp ngày càng gia tăng.

Tình thế khó khăn hiện tại đang cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu và khí đốt để vận hành nền kinh tế. Thật vậy, nhu cầu về các nguồn năng lượng này đã tăng lên nhanh chóng qua nhiều năm cùng với sự tăng trưởng GDP và lượng khí thải carbon, cho đến khi vấp phải sự sụt giảm nghiêm trọng do các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới vào năm 2020.

Ngay sau khi triển khai vắc-xin, các nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhanh chóng cùng với nhu cầu về dầu khí. Giá dầu thô đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm đạt hơn 139 USD/thùng do nguồn cung phục hồi không thể đáp ứng được nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng, bất chấp nhiều giàn khoan dầu trên thế giới đã được tái khởi động. Khi mà toàn bộ thị trường đang phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị leo thang ở châu Âu, giá dầu thô chỉ hạ nhiệt phần nào khi Mỹ và các nước G7 giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược của họ và Trung Quốc ngày càng gia tăng áp đặt chính sách zero-covid, tuy nhiên, những điều này được cho là chỉ có tác động trong ngắn hạn.

 

Nhu cầu đang trên đà vượt qua nguồn cung trên toàn cầu giữa những xung đột ở Châu Âu

Đến cuối tháng 4 năm 2022, giá đã tăng thêm 1.35% (so với tháng trước) và duy trì ở mức cao 109.3 USD/thùng, do nguồn cung liên tục bị gián đoạn từ khi chiến tranh Ukraine xảy ra. Đáp lại mong muốn của các quốc gia tiêu thụ dầu, OPEC+ (bao gồm cả Nga) đã đồng ý gia tăng sản lượng ở mức khiêm tốn là 432 nghìn thùng mỗi ngày kể từ tháng 5 năm 2022, tuy nhiên, cũng có những lo ngại cho rằng các thành viên của tổ chức này sẽ không đạt được mức sản lượng đã cam kết trong ngắn hạn và lượng dầu gia tăng cũng không thể bù đắp cho sự gián đoạn do tình trạng căng thẳng ở Đông Âu gây ra cho đến nay. Thật vậy, sự xung đột địa chính trị hiện nay giữa Nga và Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng và diễn ra khốc liệt.

Hậu quả là, nhiều biện pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ được áp đặt đối với Nga (bao gồm trục xuất nước này khỏi hệ thống tài chính SWIFT, trì hoãn vô thời hạn dự án Nord Stream 2…). Tình hình chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu thô và khí đốt từ khu vực Á-Âu, và làm tăng giá cả của các loại hàng hóa này. Hơn nữa, vì Nga là nhà cung cấp lớn nhất trong số các quốc gia sản xuất dầu khí trên thế giới và EU (chiếm lần lượt 26% và 38% trong sản lượng nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của EU), nên sẽ rất khó khăn để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm tàng từ hệ quả của các lệnh trừng phạt trong giai đoạn sắp tới, dù Mỹ và các đồng minh đã có kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu khí quốc gia.

 

Căng thẳng nguồn cung trong nước duy trì giá dầu khí ở mức cao và củng cố triển vọng tích cực

Kể từ năm 2021, đã có sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế cũng như ngành dầu khí khỏi tình trạng thiệt hại nặng nề, tất cả là nhờ sự đẩy mạnh tiêm chủng, sống thích nghi và dỡ bỏ hầu hết giãn cách xã hội. Nhờ đó mà hoạt động sản xuất và vận tải được phục hồi nhanh chóng, góp phần tiêu thụ hầu hết nguồn cung khí đốt và xăng dầu. Sự phục hồi của giá bán và sản lượng đã được nhìn thấy rõ từ hiệu quả hoạt động cải thiện đáng kể của các công ty trong ngành năm 2021.

Nguồn cung dầu thô và khí tự nhiên trong nước dự kiến sẽ giảm do trữ lượng của nhiều mỏ dầu đang cạn dần trong những năm gần đây, và việc phát triển các dự án khai thác mới cũng vấp phải nhiều trở ngại về mặt chính sách và địa chính trị. Ngược lại, nhu cầu về xăng dầu, khí hóa lỏng và đặc biệt là khí tự nhiên dự kiến sẽ tăng đáng kể, lần lượt là 3%/năm, 10.5%/năm và 14%/năm. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh sự ưu tiên của điện khí trong cơ cấu điện của Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải carbon trong tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu cũng chịu áp lực gia tăng sau đà tăng vọt của giá dầu trên thế giới và việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn sản xuất do các vấn đề tài chính. Mặc dù 2 nhà máy lọc dầu duy nhất là Bình Sơn và Nghi Sơn thường xuyên hoạt động tối đa công suất, Việt Nam vẫn đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng và phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều này cũng đồng nghĩa là đất nước phải chịu những khó khăn do biến động bất lợi của giá xăng dầu quốc tế. Theo đó, xăng RON92 đã tăng mạnh (29%) kể từ đầu năm 2022, và các mặt hàng xăng dầu khác cũng tăng tương ứng.

 

Nhập khẩu LNG là giải pháp cho vấn đề an ninh năng lượng trong tương lai

Việt Nam có kế hoạch nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào năm 2022 và coi đây là giải pháp để giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia về lâu dài. Tuy nhiên, nguồn cung LNG trên toàn cầu đang bị thắt chặt và hầu hết sản lượng của các nhà sản xuất lớn như Qatar bị ráng buộc trong các hợp đồng dài hạn, chủ yếu dành cho các khách hàng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, chúng tôi cho rằng kế hoạch sử dụng LNG tại Việt Nam sẽ bị hoãn lại trong ngắn hạn do nguồn cung thiếu hụt và giá LNG tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Dự án LNG đầu tiên – LNG Thị Vải tại tỉnh Vũng Tàu, hoàn thành vào năm 2022-2023 sẽ cung cấp cho 2 nhà máy nhiệt điện LNG là Nhơn Trạch 3 và 4 (1500MW) đang được triển khai. Bên cạnh đó, PVGas cũng đặt ra dấu mốc quan trọng khi ký kết Thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần AES để phát triển dự án LNG Sơn Mỹ, phục vụ cho Tổ hợp Nhiệt điện Sơn Mỹ (4250MW). LNG Sơn Mỹ, sau khi đi vào hoạt động từ năm 2025, cùng với LNG Thị Vải và nhiều dự án khác sẽ định hình tương lai của ngành năng lượng của Việt Nam.

Triển vọng tươi sáng của ngành dầu khí diễn ra trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng tiềm tàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho việc phục hồi sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng mới. Điều này sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới cho đến khi năng lượng tái tạo đạt được những bước phát triển đột phá. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng các công ty trong ngành sẽ được hưởng lợi đáng kể trước những cơ hội này. Trong số đó, các mảng Hóa dầu (lọc dầu) và Khí sẽ là trọng tâm vì sự thiếu hụt nguồn cung dai dẳng, và mục tiêu chuyển dịch sang nhiệt điện khí đã được chính phủ đề ra để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải carbon trong những năm tới.